Khi đã tham gia bảo hiểm nhân thọ hay nhận những quyền lợi từ bảo hiểm đều liên quan đến việc tăng và giảm khoản phí thu nhập cá nhân. Và câu hỏi đặt ra là các khoản này có được giảm trừ hay phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?
Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hiện nay đang là giải pháp tài chính tuyệt vời khi chúng đáp ứng được hai nhu cầu cầ thiết và lớn nhất của người tham gia là bảo vệ và tích lũy cho tương lai. Nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển lên tầm cao mới thì bảo hiểm nhân thọ càng thể hiện vai trò của mình hơn khi được coi là một công cụ để đảm bảo an toàn về mặt tài chính. Nhà nước ta đã ban hành những chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các cá nhân tham gia bảo hiểm nhân thọ. Vậy khi một cá nhân tham gia bảo hiểm nhân thọ thì có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không? (TNCN)
Cá nhân có được giảm trừ thuế TNCN khi tự mua bảo hiểm nhân thọ không?
Theo Điều 9, Thông tư 111/2013/TT-BTC đã được sửa đổi và bổ sung tại Điều 15, Thông tư 92/2015/TT-BTC và theo công văn 801/TCT-TNCN ngày 02/3/2016 của Tổng Cục Thuế quy định về các khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
-
Giảm trừ theo gia cảnh.
-
Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm (bao gồm: Bảo hiểm xã hội, BH y tế, BH thất nghiệp, BH trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề yêu cầu phải tham gia bảo hiểm bắt buộc), Quỹ hưu trí tự nguyện..
-
Giảm trừ đối với các khoản phí đóng góp từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học..
Vậy thì số tiền mà cá nhân tự nguyện tham gia bảo hiểm nhân thọ sẽ không nằm trong danh mục các khoản phải giảm trừ thuế TNCN theo các quy định nêu trên.
Ví dụ: Thu nhập tài chính hiện tại của bạn là 23.000.000 đồng/ tháng, và bạn tham gia một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với mức phí đóng là 5.000.000 đồng/ tháng thì 5.000.000 đồng này không nằm trong các khoản giảm trừ thuế TNCN.
Số tiền đóng phí bảo hiểm khi tham gia bảo hiểm nhân thọ không nằm trong danh mục giảm trừ thuế TNCN
Người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho cá nhân thì có phải phải đóng thuế TNCN không?
Căn cứ tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC được quy định như sau:
“đ.2. Khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm; mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm các sản phẩm bảo hiểm như: Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí)... mà người tham gia bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm, ngoài khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả.”
Vậy theo quy định này thì:
- Nếu công ty mua bảo hiểm nhân thọ Có tích lũy về phí bảo hiểm cho bạn thì khoản này phải chịu thuế TNCN.
- Nếu công ty mua bảo hiểm nhân thọ Không tích lũy về phí bảo hiểm cho bạn thì khoản này sẽ không phải chịu thuế TNCN.
Mức đóng thuế TNCN đối với bảo hiểm nhân thọ
Căn cứ Khoản 2, Điều 14, Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định như sau:
- Người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ có tích lũy về phí bảo hiểm của Doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam: Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo tỷ lệ 10% vào thời điểm đáo hạn hợp đồng.
- Người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ có tích lũy về phí bảo hiểm của Doanh nghiệp bảo hiểm không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp trước khi trả lương cho người lao động.
Thu nhập từ lãi/ bồi thường khi tham gia BHNT có phải đóng thuế TNCN không?
Căn cứ vào Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì:
- Thu nhập từ lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
- Thu nhập từ bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Là hai khoản thu nhập của người tham gia bảo hiểm được miễn thuế TNCN. Vậy nên, khách hàng cá nhân nhận khi nhận được tiền bồi thường do tổ chức bảo hiểm nhân thọ chi trả theo thỏa thuận đã ký trong hợp đồng bảo hiểm thì khoản thu nhập này sẽ không phải chịu thuế TNCN.
Bài viết ở trên đã giải đáp được thắc mắc “Tham gia bảo hiểm nhân thọ có phải đóng thuế TNCN không?” cho từng trường hợp khác nhau. Nhà nước đã và đang tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia bảo hiểm nhân thọ thông qua chính sách ưu đãi về thuế. Vì vậy, bạn nên cập nhật các thông tin các chính sách về thuế để đảm bảo quyền lợi của mình.