Bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm đặc biệt và thời gian tham gia khá dài nên bạn cần phải nghiêm túc cũng như kiên trì đóng phí hàng năm đến khi đáo hạn hợp đồng. Vì thế, khá nhiều khách hàng sẽ có những lo lắng liệu rằng trong tương lai nếu công ty bảo hiểm bị giải thể, phá sản thì quyền lợi của bản thân có còn được bảo đảm hay không? Nhưng hãy gạt bỏ nỗi lo lắng này để tự tin ký một bảng hợp đồng cho bản thân hoặc gia đình đi nhé, vì trong bất kỳ tình huống xấu nào xảy ra một cách ngoài ý muốn thì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm vẫn được đảm bảo và giải quyết hợp lý.
Áp dụng theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010, nếu công ty bảo hiểm nhân thọ mất khả năng thanh toán phí bảo hiểm cho khách hàng hoặc phá sản, hợp đồng bảo hiểm của người tham gia ở công ty đó sẽ được giải quyết theo hai hình thức sau:
Được chuyển giao sang công ty/doanh nghiệp bảo hiểm khác
Trong trường hợp xảy ra những điều không mong muốn từ phía công ty bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của công ty bạn đang tham gia sẽ được công ty/ doanh nghiệp bảo hiểm khác quản lý khi công ty đó bị giải thể hoặc phá sản. Nếu các công ty/ doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác không tự nhận chuyển giao hợp đồng thì Bộ Tài chính sẽ can thiệp chỉ định. Các quyền lợi được ghi trong hợp đồng của khách hàng vẫn giữ nguyên như ban đầu. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng sẽ không bị gián đoạn hoặc mất đi nếu có bất kỳ sự kiện bảo hiểm nào xảy ra sau đó.
Chi trả theo hạn mức của Qũy bảo vệ người được bảo hiểm
Theo Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi: Bên cạnh các khoản vốn pháp định, vốn đăng ký kinh doanh, các công ty bảo hiểm trong quá trình hoạt động còn phải trích lập vào Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Khi công ty bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, nếu xảy ra sự kiện bảo hiểm, Qũy này sẽ được trích ra để chi trả cho người được bảo hiểm theo hạn mức chi trả nhất định.
Cụ thể, theo điểm 1 Điều 107 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của chính phủ, hạn mức chi trả của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được quy định:
Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng. Mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tương ứng với từng trường hợp được quy định như sau:
a) Đối với các hợp đồng đã xảy ra sự kiện bảo hiểm nhưng chưa được chi trả quyền lợi bảo hiểm, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm là quyền lợi bảo hiểm được hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;
b) Đối với các hợp đồng mang tính tiết kiệm, có giá trị hoàn lại và đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng với giá trị hoàn lại của hợp đồng tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản;
c) Đối với các hợp đồng chỉ mang tính bảo vệ, không có giá trị hoàn lại và đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng phần phí bảo hiểm đã đóng cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm;
d) Đối với các hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư đang còn hiệu lực, mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tương ứng với giá trị tài khoản của khách hàng tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản;
đ) Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có nhiều người được bảo hiểm, hạn mức chi trả tối đa của Quỹ quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều này được áp dụng đối với từng người được bảo hiểm, trừ trường hợp giữa những người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thỏa thuận khác tại hợp đồng bảo hiểm.”
Vậy nên, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về quyền lợi của mình khi tham gia các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cho chính mình hoặc người thân. Vì trong cả những trường hợp xấu nhất xảy ra thì quyền lợi bảo hiểm vẫn luôn được duy trì ít nhất là cho đến khi đáo hạn.